Tại "Diễn đàn quốc gia về Phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam" (Make in Vietnam) vừa diễn ra vào ngày 9/5 tại Hà Nội, Mobifone đã công bố giải pháp về nhận diện hình ảnh do chính tập đoàn này phát triển, có thể được áp dụng để hỗ trợ trong quá trình chuyển đổi số của các cơ quan và doanh nghiệp. Hệ thống nhận diện hình ảnh của Mobifone được chia làm hai phần chính là Mobifone.OpenAPI.Face (nhận diện khuôn mặt) và Mobifone.OpenAPI.Object (nhận diện vật thể).
Hệ thống nhận dạng hình ảnh của Mobifone có thể được áp dụng trong nhiều mô hình khác nhau: từ các hoạt động quản lý, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp cho đến các hoạt động bảo vệ an ninh, quốc phòng của đất nước. Cụ thể, hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Mobifone có thể được áp dụng để:
- Chấm công/điểm danh: Nhân viên/học sinh chỉ có mặt tại công ty là tự động được chấm công/điểm danh, không cần quét vân tay rườm rà và phòng tránh tình trạng "trốn" giữa giờ.
- Chăm sóc khách hàng: Tự đông nhận biết khách hàng. Một ví dụ được Mobifone đưa ra là khi khách hàng bước chân vào điểm giao dịch, hệ thống camera sẽ nhận dạng khuôn mặt của khách hàng và tự đông xác định hồ sơ danh tính, lịch sử giao dịch... tiết kiệm nhiều thời gian và công sức của cả khách hàng và giao dịch viên. Ngoài ra, hệ thống này còn có thể nhận diện khách hàng VIP và có phản ứng phù hợp (ví dụ phát ra lời chào khi khách hàng VIP đi qua).
- An ninh: Bên cạnh việc giám sát an ninh đơn thuần, hệ thống của Mobifone còn lưu trữ toàn bộ khuôn mặt xuất hiện trong camera để truy tìm sau này. Nếu một khuôn mặt nằm trong "danh sách đen" (như tội phạm), nó có thể gửi cảnh báo kịp thời tới doanh nghiệp/chính quyền. Mobifone cho biết hệ thống này có thể kết nối với các hệ thống an ninh ở các tòa nhà, sân bay, hải quan...
- Chống đánh cắp nhận dạng: Nhờ khả năng nhận diện chính xác, hệ thống của Mobifone có thể kiểm soát việc sử dụng thông tin cá nhân phi pháp, ngăn cản khách hàng sử dụng các thông tin cá nhân khác nhau để thực hiện giao dịch phạm pháp như mở tài khoản ngân hàng, rửa tiền...
Còn đối với hệ thống nhận dạng vật thể của Mobifone, nó có thể phát hiện biển số xe, vi phạm và tai nạn giao thông, hỏa hoạn, đám đông tụ tập.
Phát biểu tại diễn đàn, ông cho Dư Thái Hùng – Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Mobifone khẳng định hệ thống nhận dạng khuôn mặt của Mobifone cho tốc độ nhanh (người dùng chỉ cần đi qua), độ chính xác cao trên 95%, dễ dàng tích hợp với các hệ thống hiện có và không phụ thuộc vào nền tảng của camera.
Dự án nhận dạng khuôn mặt của Mobifone tiếp tục cho thấy khát vọng chuyển mình của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam nhằm mở rộng sang các lĩnh vực khác, tạo ra giá trị mới cho người dùng và góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Cuối năm 2018, VNPT đã công bố chiến lược "VNPT 4.0", cung cấp dịch vụ số như nền tảng media và dịch vụ truyền hình, chính phủ điện tử, đô thị thông minh... và các giải pháp phần cứng như Smartbox, thiết bị mạng, IoT. Tương tự như vậy, Viettel cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu tại Việt Nam trong công cuộc chuyển đổi số với ở mảng như content, media, IoT và Fintech. Viettel cũng đang tự mình phát triển và sản xuất thiết bị mạng 5G.
Theo http://genk.vn
ATP